Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian qua có nhiều biến động, một số loại vật liệu cát, đá được dự báo sẽ khan hiếm. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng sản xuất thép năm 2023 được dự báo sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với năm 2022, sản xuất thép sẽ tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài.
Bộ Xây dựng nhận định, về giá thép, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu vật liệu thép toàn cầu biến động tăng giảm thất thường, giá nguyên liệu sản xuất tăng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng nên trong 3 tháng đầu năm 2023, giá thép tăng với mức phổ biến khoảng 20.000 đồng/tấn.
Tính đến ngày 20/3/2023, giá thép xây dựng các loại trung bình trong khoảng 17.350 - 19.100 đồng/kg tại các khu vực Bắc, Trung, Nam (ví dụ: giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của Hòa Phát, Thái Nguyên, miền Nam, Pomina lần lượt là 17.480 đồng/kg, 17.350 đồng, 17.700 đồng/kg, 19.100 đồng/kg…).
Giá thép trung bình trong quý I/2023 khoảng 17.300 đồng, tăng 6,1% so với quý IV/2022 và giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, 3 tháng quý II/2023 giá thép trung bình đảo chiều giảm 4,5% so với quý I/2023 và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân do trong quý II vừa qua nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm mạnh.
Về giá xi măng, theo diễn biến thị trường cho thấy, ngành Xi măng Việt Nam đang phát triển với công suất sản xuất lớn, công nghệ hiện đại gần tiệm cận với công nghệ trên thế giới. Cùng loại vật liệu này đã vượt so nhu cầu sử dụng trong nước khoảng 10-30% tùy từng thể loại. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới cũng giảm sút trong những năm gần đây.
Giá xi măng trung bình trong 3 tháng đầu năm tương đối ổn định, giá tháng 02/2023 có biến động nhẹ tăng 10-20 đồng/kg so với tháng 01/2023. Theo nhận định thì với mức giá từ tháng 3/2023 đến nay cơ bản giữ ổn định.
Giá xi măng tại các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung bởi ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển. Tính chung quý II/2023, giá xi măng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đối ổn định so với cuối năm 2022. Cụ thể giá trung bình xi măng của một số chủng loại thời điểm tháng 6/2023 như sau: xi măng Hoàng Thạch (1.690 đồng/kg), xi măng Bút Sơn (1.706 đồng/kg), xi măng Hà Tiên (1.884 đồng/kg)…
Cũng theo số liệu từ Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá cát trong 6 tháng đầu năm lại có xu hướng tăng. Giá cát tăng bình quân 1,52%/tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng). Lý giải về xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn khu vực miền Bắc và miền Trung nên so sánh tương quan giá cát bình quân tại khu vực miền Nam thường cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1,3 ÷ 1,5 lần. Tính chung quý II/2023, giá cát xây dựng tăng 2,5% so với quý I/2023.
Giá đá xây dựng có xu hướng tăng nhẹ nhưng đều và giữ ổn định qua từng quý. Giá đá quý I/2023 tăng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá đá xây dựng quý II/2023 tăng 2,7% so với quý I/2023. Việc tăng giá này có thể lý giải do nhu cầu sử dụng loại vật liệu cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công, nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.
Bên cạnh vật liệu cát, đá xây dựng cung cấp cho các dự án giao thông thì nguồn cung vật liệu nhựa đường cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công tại các dự án trên cả nước. Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhà cung cấp, phân phối nhựa đường với các kho nhựa đường đặt tại các khu vực khác nhau trên toàn quốc.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, giá nhựa đường tương đối ổn định, giá trung bình khoảng 18.930 đồng/kg (tăng 1% so với quý IV/2022 và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Đến quý II/2023, giá nhựa đường ghi nhận việc giảm trung bình 400-700 đồng/kg các loại so với quý I.
Thời điểm quý II/2023 giá trung bình vào khoảng 16.170 đồng/kg (giảm 10,8% so với quý I/2023 và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân được cho là do nhựa đường thuộc loại mặt hàng nhập khẩu nên phụ thuộc vào ngoại tệ, xăng dầu giảm và chi phí vận chuyển giảm.
Theo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), thị trường vật liệu xây dựng (như xi măng, thép xây dựng và nhựa đường…) dự báo sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III/2023 do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.
Dự báo giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng trong quý III/2023 do từ đầu năm 2023 đến nay các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước, như: 10 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, Vành đai 4 Thành phố Hà Nội; Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng….
Các dự án trên sẽ khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương. Trong đó, những điểm nóng về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng.
Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của địa phương phản ánh trong quá trình thu thập, công bố giá vật liệu xây dựng để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá vật liệu xây dựng, nhân công, giá thi công, chỉ số giá xây dựng đảm bảo đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.
Bộ Xây dựng cũng đã có kế hoạch kiểm tra, làm việc với các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay... đang triển khai để có những hướng xử lý về vấn đề nguồn vật liệu cho các dự án.
(Nguồn xây dựng)